Thói quen mua hàng online của người tiêu dùng đã giúp chợ mạng chiếm ưu thế,ợtruyềnthốngvàchợmạcha con không muốn kết hôn đẩy chợ truyền thống vào cảnh đìu hiu. Chợ truyền thống cần một hướng đi mới nếu muốn tồn tại.
Chợ truyền thống vắng dần
Gần giữa trưa một ngày trong tuần của tháng 9.2023, chúng tôi đến chợ Bến Thành - ngôi chợ mang tính biểu tượng cho TP.HCM. Đại dịch Covid-19 đã qua hơn 2 năm nhưng khung cảnh ở đây vẫn chưa thể trở lại "thời hoàng kim". Đập vào mắt chúng tôi là lượng khách ít ỏi, điểm giữ xe ở đối diện Cửa Tây thưa thớt, trục đường chính cũng chỉ có một số khách nước ngoài, khách du lịch thong thả đi tham quan. Ngay cả ở những khu vực bên trong trước kia khách hàng phải lách qua nhau thì nay cũng thông thoáng.
Tình trạng này cũng diễn ra từ chợ dân sinh nhỏ đến các chợ lớn như An Đông, Tân Bình… Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đến chợ Tân Mỹ - ngôi chợ được xem là lớn nhất trên địa bàn Q.7, TP.HCM cũng trong buổi sáng. Thậm chí ở đây, chúng tôi có thể chạy xe máy từ ngoài vào trong chợ một cách thoải mái theo con đường hai bên hông, xuyên qua các quầy trái cây, hàng gia dụng, quần áo và sau đó là khu thực phẩm tươi sống… Hình ảnh nhiều người bán hàng ngồi xem điện thoại hay 2 - 3 người tụm lại tán chuyện với nhau ngày càng trở nên quen thuộc. Thỉnh thoảng mới có vài khách cũng chạy xe máy vào thẳng trong chợ ghé mua bó rau, miếng thịt hay chỉ dừng ngay trước chợ mua trái cây rồi nhanh chóng đi ngay. Khu vực trung tâm chợ - nơi không cho xe máy đi vào - càng vắng hơn.
Tìm đến chợ An Đông (Q.5), ngôi chợ từng nổi tiếng nhộn nhịp, luôn tấp nập bạn hàng đến lấy quần áo, hàng khô để đưa về các tỉnh thành từ miền Trung đến miền Tây nay cũng khá đìu hiu. Không còn thấy cảnh người bán tất bật đóng hàng đến nỗi không kịp hoặc "không thèm" trả lời khách lẻ như trước đây.
Chị Kim Hoa - chủ một cơ sở may mặc tại TP.HCM, đã có thâm niên gần 20 năm bỏ hàng sỉ cho nhiều sạp ở chợ An Đông và Tân Bình - cho biết kể từ sau đại dịch Covid-19, các chợ này đều rất vắng khách. Một phần do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng phải "thắt lưng buộc bụng" hơn. Bên cạnh đó, số lượng bạn hàng từ các tỉnh thành về đây để lấy hàng sỉ không còn mà chỉ giao dịch qua điện thoại. Nếu hồi xưa nhiều người ở Quy Nhơn, Quảng Ngãi hay từ Đồng Tháp, Long Xuyên… mỗi tháng vào đây ít nhất một lần để đóng hàng đưa về quê bán. Giờ thì họ không cần đi nữa mà chỉ cần ngồi nhà, bạn hàng trong An Đông hay Tân Bình sẽ chụp hình mẫu gửi qua Zalo cho xem, trao đổi giá cả và chốt số lượng. Xong, người bán sẽ đóng hàng gửi theo xe ra ngay.
"Thậm chí, tôi thấy có nhiều người bán quần áo ở chợ đã trả quầy, về nhà buôn bán luôn vì chủ yếu là bán sỉ. Chỉ cần một cái điện thoại và mở tài khoản ngân hàng là trao đổi được khắp nơi. Người mua không đến chợ để tiết kiệm chi phí đi lại. Người bán cũng khỏe luôn, khỏi tốn tiền thuê quầy. Còn khách mua lẻ thì hầu như người trẻ không đi chợ mà chỉ mua quần áo trên mạng", chị Kim Hoa chia sẻ.
Chợ mạng nhộn nhịp
Hải - một nhân viên văn phòng - đưa lên tài khoản cá nhân khoe một số đồ dùng "hàng săn sale 9.9 về tới". Đó là một bịch gồm các loại hạt tổng hợp và một cặp kính dành cho người chạy bộ, leo núi. Hai sản phẩm này cô "săn" trên hai chợ khác nhau là Lazada và Shopee với giá giảm gần 25% so với ngày thường. Đối với Hải và nhiều người bạn của cô, việc đi chợ để mua đủ loại từ quần áo, giày dép, nón mũ và hàng chục loại vật dụng cần thiết khác đều diễn ra trên mạng. Hơn nữa, nếu canh sale trong các dịp lễ hay những ngày "cặp" kiểu như 8.8, 9.9 hay 10.10 thì sẽ nhiều "deal" giá hời nữa. Nhưng theo Hải, quan trọng khi đi chợ online là phải có kinh nghiệm để tránh bị hớ giá hay mua nhầm đồ kém chất lượng, không dùng được.
"Shop, trung tâm thương mại... chỉ để khảo giá rồi lên mạng mua cho rẻ", đó là tuyên ngôn và cũng là cách mà 2 chị em nhà Mai, Khanh (Q.4, TP.HCM) thực hiện hơn 2 năm trở lại đây. Cuối tuần đi trung tâm thương mại, thích mẫu nào, thương hiệu nào thì chụp lại rồi về lên mạng săn sale. Nhờ vậy, 2 chị em tiết kiệm được hơn 50% so với giá bán trực tiếp. "Từ lâu bọn em không còn đi shopping kiểu truyền thống nữa. Cuối tuần đến trung tâm thương mại chỉ xem phim và ăn thôi, mua đồ trên mạng, vừa rẻ lại đỡ phải xách theo, lích kích", Mai nói. Chợ mạng được yêu thích còn bởi khách hàng có thể bán hay đổi lại đồ cũ, đồ mua không hợp, không đúng size...
Tiểu thương cũng chủ động bán hàng qua điện thoại
Đặc tính của chợ là khách hàng được mắt nhìn tay sờ sản phẩm; đánh giá thái độ của người bán. Khi đã quen mặt thì nhiều người nội trợ chỉ lựa chọn mua thịt của cô này, rau của cô kia nên trở thành "mối ruột" của người bán. Sau một thời gian, có thể khách quen khi bận hoặc lười đi chợ, người bán có thể trao đổi qua số điện thoại và giao hàng tận nhà cho khách thì vẫn giữ được mối quen đó. Đồng thời tăng thêm khách hàng mới khi người quen có thể giới thiệu thêm.
Người bán không chỉ nên thụ động ngồi chờ khách như trước đây mà phải chủ động hơn. Gặp khách mua mới có thể mạnh dạn xin số điện thoại để kết bạn Zalo. Rồi chính mình có thể cung cấp lại số điện thoại và có phương thức thanh toán không tiền mặt như qua ví điện tử, tài khoản thanh toán… Tôi thấy nhiều người trẻ ghé ngang người bán trái cây mua chưa tới 100.000 đồng nhưng khi họ nói để chuyển khoản hoặc qua ví điện tử thì người bán lại không có số tài khoản, không biết ví điện tử là gì.
Người mua lại không có tiền mặt nên bỏ lại túi đồ và đi vào cửa hàng trái cây. Tiểu thương có lợi thế là linh hoạt, mua bán nhanh gọn lẹ hơn bộ máy khổng lồ của siêu thị, trung tâm thương mại. Vì vậy các tiểu thương cũng phải thay đổi hình thức mua bán, đẩy mạnh tham gia vào hình thức giao tiếp qua mạng, thông qua Zalo để phục vụ tệp khách hàng quen và dễ có thêm người mua mới. Thậm chí tiến lên liên kết với hình thức gọi xe công nghệ để giao hàng cho khách có nhu cầu…
Th.S Vũ Quốc Chinh - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Xu hướng phát triển thương mại điện tử, mua bán online, qua mạng tại VN đã tăng mạnh kể từ đại dịch Covid-19 đến nay. Bên cạnh người tiêu dùng có thói quen mua hàng qua mạng thì số người tham gia bán hàng cũng gia tăng mạnh. Hai chị em Chi và Ngọc (Q.Tân Bình, TP.HCM) từ cuối năm 2022 đến nay đã bắt đầu rao bán trên trang cá nhân các sản phẩm hàng hóa đặt mua từ Nhật, Trung Quốc cộng với dịch vụ đặt hàng (order) online. Ngọc chia sẻ trước đó, cô cũng toàn mua hàng qua mạng và thấy rất thích nên tập tành kinh doanh thêm bên cạnh công việc văn phòng. Hơn nữa, từ đầu năm nay khi công ty giảm lương thì cô đã đẩy mạnh bán hàng qua mạng.
Hiện lượng khách của 2 chị em chưa nhiều nhưng Ngọc cho hay sẽ tiếp tục duy trì và hy vọng sẽ có nhiều khách hơn thời gian tới. "Cái gì cũng mua qua mạng được hết luôn chị. Từ sản phẩm băng vệ sinh của chị em đến mấy đôi vớ, sợi dây thắt lưng, đồ ngủ, hàng trang điểm… thì chỉ cần một cái click chuột là đơn hàng đã xong. Có thể thanh toán luôn hoặc nhận hàng thanh toán mọi lúc mọi nơi thì ai cũng thích", Ngọc kể thêm.
Th.S Vũ Quốc Chinh - chuyên gia tư vấn thương hiệu, giảng viên marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nhận định mua sắm online tại VN phát triển rất mạnh so với nhiều nước trong khu vực. Lực lượng tham gia lĩnh vực này ngày càng nhiều, nhất là hệ thống gọi xe công nghệ đã thúc đẩy hoạt động mua sắm, giao dịch qua mạng thuận tiện. Điều này là một nguyên nhân lớn khiến các chợ truyền thống vắng khách và ngay cả các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại cũng bị cạnh tranh. Chính vì vậy, siêu thị và chợ truyền thống sẽ phải tăng tốc thay đổi để vừa cạnh tranh vừa bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường.
Quy hoạch lại chợ truyền thống
Theo số liệu của Nielsen năm 2020, cả nước có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Đây vẫn là kênh phân phối hàng hóa quan trọng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống khoảng 800 siêu thị và 250 trung tâm thương mại đã tạo nên bức tranh thương mại đa dạng, góp phần phát triển sản xuất, kích thích tiêu dùng xã hội.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nhìn vào thị trường bán lẻ có thể thấy kênh thương mại hiện đại phát triển nhanh chóng với tốc độ bình quân 10% - 12%/năm, còn kênh bán hàng truyền thống như chợ dân sinh tốc độ phát triển ở mức thấp hơn, từ 2% - 3%. Những năm qua, sự cạnh tranh giữa kênh bán lẻ hiện đại và kênh truyền thống ngày càng gay gắt, trong đó phần yếu thế thua thiệt thuộc về kênh truyền thống. Cộng thêm với xu hướng phát triển mạnh của chợ online dẫn đến thực trạng các chợ truyền thống dần dần bị vắng khách. Nhiều chợ xây mới khang trang nhưng không có người. Tiểu thương bỏ chợ, khách hàng không đến.
Dù vậy, nhìn ra các nước trên thế giới vẫn thấy rằng chợ truyền thống sẽ không thể nào mất đi. Bởi nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, nhất là với các đối tượng thu nhập trung bình thấp trở xuống. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ và có nhiều thay đổi cho hệ thống chợ truyền thống để duy trì hoạt động, nâng dần chất lượng theo xu hướng hiện đại.
Ông Phú phân tích: ước tính chỉ có khoảng 20% chợ loại 1 là hiện đại, khang trang. Còn lại phần lớn chợ truyền thống có cơ sở hạ tầng xộc xệch, mất vệ sinh. Nhiều chợ đặt không đúng vị trí, xây xong rồi bỏ không. Hoặc có nhiều địa phương lại cải tạo chợ truyền thống lên trung tâm thương mại 5 - 7 tầng cũng thất bại khi giá thành các quầy sạp quá cao khiến tiểu thương không có tiền mua. Cộng thêm việc sau khi các chợ được xây mới thì có nhiều loại phí gia tăng như phí gửi xe, tiền thuế… trong khi những người bán phía ngoài chợ thì buông lỏng. Người mua chỉ cần thuận tiện, tạt ngang mua nhanh và giá rẻ hơn thì không thèm vào chợ nữa. Từ đó chợ chính thì trống vắng nhưng xung quanh chợ tạm, chợ cóc lại phát triển mạnh. Hay như việc nhiều chợ không được quản lý chất lượng, hàng hóa đủ loại, hét giá, an toàn thực phẩm mơ hồ… khiến người mua không yên tâm.
"Tôi quan sát ở nhiều nước các chợ cũng vẫn được phát triển theo mô hình hiện đại, văn minh song song với siêu thị, trung tâm thương mại. Vì vậy phải quy hoạch lại hệ thống chợ để mô hình này phát triển song song với kênh bán lẻ hiện đại. Trong đó có việc cải tạo, thay đổi từ cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn vệ sinh. Ngay cả việc kiểm soát chợ tạm, chợ cóc mọc lên ngay sát chợ truyền thống cũng phải đẩy mạnh hơn. Chúng ta muốn tạo nên văn minh thương mại thì ngoài nhận thức của tiểu thương, vai trò của Nhà nước trong việc quy hoạch, cải tạo và xây dựng phát triển chợ là vô cùng quan trọng. Đứng trước thực trạng trên, cần phải có những cơ chế chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang bị sa sút", chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Doanh thu bán lẻ qua mạng ước năm 2023 vượt 20 tỉ USD
Theo Báo cáo Thương mại điện tử VN năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố, thương mại điện tử VN trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C (bán lẻ đến người tiêu dùng), cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỉ USD, thì đến năm 2019, đã đạt 10,8 tỉ USD. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 đạt 16,4 tỉ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, với năm 2023 doanh thu B2C sẽ đạt 20,5 tỉ USD, chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với 74% người dân sử dụng internet, VN có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300 - 320 USD, tăng so với con số này năm 2022 là 288 USD. VN là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6% nhưng vẫn thấp hơn một số nước cùng châu lục. Cụ thể, tỷ lệ này ở VN là 60,7%, còn Thái Lan là 66,8%, Hàn Quốc (65,6%), Indonesia (62,6%), Ấn Độ (62,3%), Trung Quốc (61,9%)…